Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

Thoát vị bẹn ở nam giới

Thoát vị bẹn là bệnh lý hay gặp ở nam giới. Khi bị thoát vị bẹn ban đầu người bệnh cảm thấy tức vùng bẹn bìu, một bên bìu to lên không gây đau và tình trạng này thường diễn ra không liên tục. Khi người bệnh hạn chế vận động, nằm nghỉ thì không còn cảm giác tức vùng bẹn và khối bìu giảm xuống. Ðiều này dễ gây chủ quan cho người bệnh và khi bệnh nặng gây đau đớn do ruột sa xuống chèn ép các cơ quan trong khoang bụng thì bệnh đã có biến chứng nguy hiểm như thoát vị nghẹt, dễ gây hoại tử ruột.
Vì sao bệnh hay gặp ở nam giới?
Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tỷ lệ nam giới mắc nhiều hơn nữ. Nguyên nhân nam giới hay mắc thoát vị bẹn, do vùng bẹn là điểm có một khe nhỏ trước kia là đường để hột tinh hoàn tụt xuống nơi ở cố định là túi bìu. Thông thường, đường này chỉ còn có các mạch máu đi qua để nuôi dưỡng tinh hoàn. Nhưng nếu lỗ bao quanh động mạch không kín hoặc quá yếu, một đoạn ruột có thể lọt vào và thoát ra ngoài ổ bụng xuống bìu gọi là thoát vị bẹn. Hiện tượng này có thể xảy ra với người trẻ nhưng dễ xảy ra với người già hơn vì các cơ thành ổ bụng yếu dễ sa xuống phía dưới. Thoát vị bẹn thường ở một bên, hiếm khi bị cả hai bên, vì khi làm việc nặng thường bên nào bị kéo căng rồi không co lại thì bên đó sẽ bị thoát vị.
Cần phát hiện sớm...
Người cao tuổi do các cơ thành ổ bụng yếu, những người hay làm việc nặng nhọc, người táo bón kéo dài do áp lực thường xuyên tại ổ bụng cao...Ngoài ra, những người mắc các bệnh như u nang thừng tinh, tràn dịch tinh mạc... có nguy cơ dễ bị thoát vị bẹn.
Khi bị thoát vị bẹn, người bệnh thấy tức nặng ở vùng bẹn bìu, một bên bìu to lên thành khối phồng do ruột ở trên dồn xuống. Bìu này càng to thêm khi người bệnh đi lại, chạy nhảy hay làm việc nặng, nằm nghỉ khối phồng nhỏ lại hoặc mất hẳn.
 Thoát vị bẹn.
... Vì muộn dễ biến chứng
Thoát vị bẹn có thể chữa khỏi nếu điều trị sớm và không ảnh hưởng gì tới việc có con. Hiện nay phương pháp điều trị thoát vị bẹn là phẫu thuật. Các bác sĩ sẽ “vá” lỗ hổng ở thành bụng hoặc mổ đặt mảnh ghép nhân tạo vào diện yếu của vị trí thoát vị. Tuy nhiên, nếu phát hiện và điều trị muộn thoát vị bẹn có thể gây biến chứng như thoát vị nghẹt gây hoại tử ruột, mạc treo ruột. Đây là trường hợp ruột hoặc mạc treo của ruột không chạy vào lại ổ bụng được, bị nghẹt tại vùng cổ túi hoặc do bị xoắn, dẫn đến thiếu máu nuôi, nếu không can thiệp phẫu thuật kịp thời thì ruột và mạc treo ruột sẽ bị hoại tử. Đây là biến chứng nguy hiểm và thường gặp nhất.
Ngoài ra, còn gặp biến chứng thoát vị kẹt, do tạng thoát vị chui xuống nhưng không đẩy lên được do dính vào túi thoát vị hoặc do tạng trong túi dính với nhau. Thoát vị kẹt thường gây cảm giác vướng víu và dễ bị chấn thương hơn; Chấn thương thoát vị, do khối thoát vị lớn và xuống tương đối thường xuyên, bị chấn thương từ bên ngoài gây nên dập, vỡ các tạng bên trong...


Bác sĩ Phạm Văn Định


Giãn tĩnh mạch thừng tinh

Tôi bị giãn tĩnh mạch thừng tinh. Nghe nói chứng bệnh này dễ dẫn đến vô sinh?
(L.H.T. - Đồng Nai)
Giãn tĩnh mạch thừng tinh hiện vẫn là vấn đề y khoa phổ biến, theo nghiên cứu của các nhà y học, bệnh chiếm tỷ lệ khoảng 15% trong giới nam, trong đó 90% là ở bên trái và 10% cho cả hai bên, đặc biệt ở tỷ lệ 40% đối với nam giới vô sinh.
 Ảnh minh họa
Bệnh được hiểu đây là tình trạng bệnh lý, trong đó tĩnh mạch thừng tinh bị giãn bất thường của tĩnh mạch tinh và đám rối tĩnh mạch nằm trong bìu, do hệ thống van của tĩnh mạch tinh bị yếu hoặc không có van, nên có hiện tượng trào ngược máu từ tĩnh mạch thận vào đám rối tĩnh mạch tinh, bệnh gặp ở bên trái hơn bên phải, sở dĩ bên trái gặp nhiều hơn phải đã các nhà y học lý giải, là docấu trúc giải phẫu của tĩnh mạch tinh phải ngắn và đổ xéo góc vào tĩnh mạch chủ dưới; trong khi đó tĩnh mạch tinh trái dài hơn và đổ gần như vuông góc vào tĩnh mạch thận, ngoài ra có một số trường hợp giãn tĩnh mạch tinh do không có van hoặc hệ thống van tĩnh mạch bị suy yếu.
Về triệu chứng, giai đọan đầu bệnh phần lớn các trường hợp ít biểu hiện triệu chứng gì đặc biệt, mà chỉ phát hiện qua thăm khám trực tiếp, ở người lớn đến khám thường phát hiện ra sau khi khám vô sinh, còn ở trẻ em đến khám do đau hoặc khó chịu gây ảnh sinh hoạt, thường gặp ở các trẻ em trai trên 10 tuổi. Khi khám vùng bìu tư thế đứng có thể sờ thấy thừng tinh dày, có nhiều tĩnh mạch giãn mềm đôi khi nổi ngoằn ngèo ở dưới da bìu phía trên tinh hoàn; sờ có cảm giác như “búi giun”, tùy theo các mức độ giãn tĩnh mạch thừng tinh mà có thể nhận biết qua thăm khám lâm sàng hoặc cần thêm các thăm khám bằng siêu âm màu để phát hiện luồng trào ngược máu từ tĩnh mạch thận hoặc tĩnh mạch chủ vào tĩnh mạch tinh.
Về điều trị, bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh hiện nay điều trị nội khoa chưa đem lại kết quả, mà chủ yếu cho phương pháp điều trị ngoại khoa, bệnh có chỉ định phẫu thuật khi giãn tĩnh mạch tinh lớn gây khó chịu hoặc đau tức bìu kéo dài, cản trở trong sinh hoạt, thể tích tinh hoàn nhỏ hơn 3ml, thay đổi tinh dịch đồ ở người trưởng thành trên 18 tuổi, nguyên nhân gây vô sinh nam giới. Đối với những trường hợp khám lâm sàng không sờ thấy, chỉ định điều trị ngoại khoa hiện còn tranh luận. Xu hướng hiện nay là điều trị bằng vi phẫu thuật, với ưu điểm của phương pháp là nhờ kính hiển vi mà phẫu thuật viên dễ nhận biết và bảo tồn động mạch tinh và hệ bạch mạch, tránh biến chứng như teo tinh hoàn hoặc tràn dịch tinh mạc, hiện nay vi phẫu đường bẹn hay dưới bẹn được xem là tiêu chuẩn vàng trong điều trị giản tĩnh mạch thừng tinh.
BS.CKI. TRẦN GIANG


Thực phẩm phòng bệnh cho phái mạnh

Cách phòng bệnh tốt nhất là có một chế độ dinh dưỡng hợp lý và đúng cách. Những thức ăn, đồ uống dưới đây là một chế độ tốt để quý ông tham khảo.
Rau quả
Là các thức ăn cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Những thức ăn giàu chất ma-giê như củ cải đường, nho khô, quả chà là, đậu nành… giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Đàn ông nên ăn nhiều trái cây và rau mỗi ngày.
 Rau quả cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất cho cơ thể
Ăn nhiều chất xơ
Những người đang trong thời kỳ ăn kiêng nên ăn mỗi ngày 25g chất xơ. Các loại thức ăn như: đậu lima, đậu nành, bưởi, trà astisô… chứa rất nhiều chất xơ. Mỗi ngày ăn 3 loại thực phẩm để có một cơ thể khỏe mạnh.
Thực phẩm chứa vitamin B
Ăn nhiều các loại thực phẩm chứa vitamin B sẽ làm giảm khả năng mắc bệnh ung thư. Ngoài ra những loại thức ăn này còn có tác dụng ngăn ngừa lão hóa, trị các chứng về tăng huyết áp. Nên ăn 80g mỗi ngày để ngăn ngừa bệnh tật. Vitamin B có nhiều trong bông cải xanh, bơ, dâu tây, nước cam vắt…
Nước sốt cà chua
Rất tốt cho tim mạch, ngăn ngừa lão hóa, trí nhớ kém, tăng cường khả năng tình dục và hạn chế nếp nhăn trên da. Cà chua còn chứa nhiều chất lycopene, ngừa các bệnh tim mạch và chống ung thư. Tưới lên các món salad một lượng nước sốt cà chua, vừa đem đến cho quý ông một món ăn ngon miệng lại vừa giúp quý ông có một sức khỏe ổn định, không bệnh tật.
Hạt dẻ
Hạt dẻ rất tốt cho sức khỏe. Ăn một ít hạt dẻ trước bữa ăn chính sẽ đem lại cảm giác ngon miệng hơn. Nên giữ lạnh để hạt dẻ không bị oxy hóa.
Thuốc aspirin liều nhẹ
“Aspirin làm đẹp da, giúp tiêu hóa tốt và ngừa bệnh ung thư”. Nam giới sau 35 tuổi uống 2 viên aspirin mỗi ngày sẽ giảm được 36% sự lão hóa.
Các loại cá hồi, cá bơn, cá tuyết… cung cấp cho cơ thể một lượng protein cần thiết. Ăn cá còn giúp ngăn ngừa các bệnh về tim mạch và giúp xương chắc khỏe. Chúng ta nên ăn cá 3 lần mỗi tuần.
Uống nước
Mỗi ngày nam giới nên uống nhiều nước (khoảng 8 ly là tốt nhất). Uống nhiều nước là bài thuốc tốt để có một làn da khỏe mạnh, hồng hào.
Uống rượu vang
Rượu vang chứa chất resveratrol chống lão hóa và bảo vệ hoạt động của tim mạch. Tại sao là rượu vang mà không phải là các loại rượu màu trắng? Vì trong rượu trắng có các chất có tác dụng xấu cho da như làm sạm da, da sần sùi. Nên quý ông khi thích uống một tí, hãy chọn loại rượu vang.
Cà phê
Cà phê giúp người uống tỉnh táo và phấn chấn lên, là thức uống chống lại các bệnh ung thư, Alzheimer (giảm trí nhớ), bệnh Parkinson (liệt rung). Cà phê có tác dụng phụ như gây ra chứng đau nửa đầu, tim đập nhanh. Nhưng dù sao thì lợi ích từ việc uống cà phê vẫn nhiều hơn.
Sữa tươi
Lượng canxi có trong sữa tươi giúp xương cứng cáp, nhưng quan trọng nhất vẫn là sữa tươi có nhiều vitamin D, ngăn ngừa ung thư và có khả năng chống lão hóa.
BS. TRẦN QUỐC BẢO

Hẹp niệu đạo ở nam giới

Hẹp niệu đạo là một bệnh lý niệu khoa thường gặp, bệnh biểu hiện sau một viêm nhiễm hay sau một chấn thương hệ niệu. Cần hiểu rõ căn nguyên bệnh để có hướng xử trí kịp thời nhằm tránh những biến chứng.
 Ảnh minh họa
Cấu trúc niệu đạo nam giới
Niệu đạo được chia ra 2 phần: niệu đạo trước và niệu đạo sau. Niệu đạo trước có chiều dài 12 - 15cm, được bao bọc bởi vật xốp, gồm phần cố định hay còn gọi là niệu đạo hành và phần di động gọi là niệu đạo dương vật. Niệu đạo sau có chiều dài 4,5 - 5cm, gồm niệu đạo màng đi qua cân đáy chậu và niệu đạo tiền liệt tuyến. Đường kính niệu đạo trung bình 4 - 6mm, khi nong giãn độ 8 - 10 mm, niệu đạo không phải là một ống tròn đều xuyên suốt mà có những chỗ hẹp và chỗ rộng.
Hẹp niệu đạo xảy ra như thế nào?
Hẹp niệu đạo thường là hậu quả sau đợt viêm nhiễm niệu đạo, xuất phát từ các ổ trong tuyến littre do vi khuẩn lậu cầu trú ẩn và gây bệnh, lâu ngày gây xơ sẹo làm chít hẹp niệu đạo nhiều chỗ; do nhiễm khuẩn bao quy đầu thường xảy ra sự lây chéo sau giao hợp, làm chít hẹp và có thể lan tới tiền liệt tuyến và niệu đạo hành; do bệnh lý toàn thân tổn thương của lao thận, lao bàng quang rồi lan đến lao niệu đạo. Hẹp niệu đạo còn do di chứng của chấn thương niệu đạo; sau những thủ thuật lấy sỏi niệu đạo làm tổn thương niêm mạc niệu đạo, sau mổ cắt u xơ tiền liệt tuyến.
Các biểu hiện hẹp niệu đạo
Sau đợt điều trị viêm nhiễm hay sau chấn thương, người bệnh than phiền đi tiểu khó, lúc tiểu tia nước tiểu yếu dần, xoắn tia và nhỏ giọt. Thời gian đi tiểu lâu hơn 30 giây đến 1 phút, cảm giác còn muốn đi tiểu nữa, kích thích rặn nhiều trong lúc tiểu.
Trường hợp bí tiểu thật sự, khi có kèm bội nhiễm hay sỏi kẹt làm chít hẹp hoàn toàn niệu đạo làm người bệnh rất khó chịu, căng trướng bàng quang, vật vã cần tiểu liền.
Thăm khám niệu đạo, phát hiện tổn thương như chít hẹp bao quy đầu, phát hiện những đoạn, cục xơ cứng niệu đạo khi nắn niệu đạo từ đầu đến gốc dương vật. Khi đặt ống sonde tiểu bằng ống sonde Nelaton 18 thì không qua được niệu đạo.
Diễn tiến và biến chứng
Sau khi bị hẹp niệu đạo, người bệnh vẫn chịu đựng, cố gắng đi tiểu theo đường tự nhiên trong một thời gian, tùy theo mức độ tổn thương, tiến triển đến hẹp hoàn toàn. Sự chịu đựng, cố gắng tiểu tự nhiên dần dần đưa đến biến chứng. Ứ đọng nước tiểu bàng quang gây nhiễm khuẩn ngược dòng lên niệu quản, thận. Do ứ trệ lâu ngày không có lối thoát, gây rò rỉ ra da tại vị trí tầng sinh môn hay vùng da bìu và ứ đọng kèm nhiễm khuẩn tạo thành ổ áp xe hình tổ ong, gây hình thành túi thừa bàng quang và lâu dài biến chứng suy thận.
Phân biệt các bệnh khác
Bệnh hẹp cổ bàng quang do viêm xơ cổ bàng quang: gặp trong trường hợp sau mổ u xơ tiền liệt tuyến. Người bệnh có triệu chứng khó đi tiểu, khi đặt sonde tiểu, ống thông dừng lại trước cổ bàng quang, chụp niệu đạo có cản quang, trên hình ảnh X-quang không thấy thuốc cản quang vào được bàng quang.
- U xơ tiền liệt tuyến: người bệnh tiểu khó, tiểu rắt, đang tiểu ngắt giữa dòng, dòng tiểu giảm đột ngột, khi khám thăm trực tràng sờ được khối u. Bệnh này thường gặp ở người già.
Xử trí hẹp niệu đạo
Tùy theo mức độ tổn thương, vị trí của bệnh mà ta có cách xử trí khác nhau. Trường hợp hẹp niệu đạo có viêm nhiễm tiến triển thành áp-xe, rò nước tiểu và bí đái cấp tính, phải mở thông bàng quang dẫn lưu nước tiểu ra da, điều trị hết viêm nhiễm bằng kháng sinh đồ hay kháng sinh liều cao, toàn thân như augmentin, ceftriaxon, tobramycin. Trường hợp do lao phải điều trị đặc hiệu.
Điều trị căn nguyên: nong niệu đạo, đây là phương pháp vẫn được áp dụng để nong niệu đạo và đặt ống sonde nong que nhỏ được dùng để dẫn đường qua chỗ hẹp chít rồi tiến hành nong rộng. Hiện nay có nhiều phương pháp nong bằng ống sonde có bóng chèn tại chỗ hẹp niệu đạo.
Phẫu thuật điều trị hẹp niệu đạo nhằm tái tạo niệu đạo. Trải qua năm tháng, các phương pháp phẫu thuật không ngừng được cải tiến, giúp khả năng tạo hình ống niệu đạo trở về đúng sinh lý ban đầu, nhằm nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
BS.CKII. TUÊ THÀNH

6 bí quyết để nam giới sống thọ hơn

Theo các nghiên cứu, tỷ lệ tử vong ở nam giới cao hơn bởi vì họ dễ bị tổn thương tâm lý hơn. Thông thường đàn ông hay bỏ qua những lời khuyên của bác sĩ, không tìm kiểm sự trợ giúp y tế. Nếu thực hiện các nguyên tắc sau đây, nam giới có thể kéo dài cuộc sống của mình.
1. Luôn trung thực với bác sĩ
Phụ nữ sẵn sàng nói chuyện trực tiếp về sức khỏe của mình với bác sĩ. Còn với đàn ông, việc này lại rất khó khăn. Việc đề cập tới các triệu chứng là rất cần thiết, bởi vì đó có thể là dấu hiệu của một bệnh nghiêm trọng. Chẳng hạn, dương vật không cương cứng được ở nam giới là vấn đề nhạy cảm, nhưng nó có thể liên quan đến bệnh tiểu đường và bệnh tim. Đàn ông cũng cần thường xuyên kiểm tra tinh hoàn để điều trị kịp thời ung thư tuyến tiền liệt - một căn bệnh phổ biến ở nam giới.
2. Bảo vệ hệ miễn dịch
Hệ miễn dịch của nam giới không mạnh như ở phụ nữ. Thống kê cho thấy đàn ông chết nhiều hơn khi mắc 7 trong số 10 bệnh nhiễm trùng phổ biến nhất, đặc biệt là bệnh lao và bệnh lây truyền qua đường tình dục. Đàn ông cũng có xu hướng ít khi tiêm phòng bệnh và không hề quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, ăn uống thất thường và chỉ ăn những gì họ thích.
3. Kiểm tra mức testosterone
Sau 30 tuổi, mức testosterone ở nam giới bắt đầu giảm khoảng 1% mỗi năm. Giảm mức độ testosterone có thể dẫn tới việc giảm sức sống, giảm khối lượng cơ, giảm khả năng hoạt động về thể chất, bộ nhớ và khả năng tập bí quyết trung kém, giảm ham muốn tình dục. Tất cả điều này có thể dẫn đến trầm cảm, rất có hại đến sức khoẻ của nam giới, làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch vành. Những người bệnh tiểu đường có nguy cơ cao giảm testosterone.
4. Đừng một mình chiến đấu với trầm cảm
Trầm cảm đối với đàn ông nguy hiểm hơn vẫn tưởng, bởi vì triệu chứng của nó không phải lúc nào cũng rõ ràng. Khi một người phụ nữ suy nhược thần kinh, có nhiều người sẽ biết về bệnh tình này, còn đàn ông thường muốn che giấu đến cùng. Một số tìm giải pháp bằng cách uống rượu, một số xem tivi, lướt web, số khác chạy theo các cuộc phiêu lưu tình dục… Tìm đến một nhà tâm lý học là phương pháp cuối cùng của họ để chống lại trầm cảm. Cách sống này là mối đe dọa trực tiếp đối với sức khoẻ.
 Ảnh minh họa
Giai đoạn khó khăn trong cuộc sống của người đàn ông là khi hàm lượng testosterone giảm. Giai đoạn này giống như thời kỳ mãn kinh ở phụ nữ. Vào những lúc như vậy, hầu hết nam giới có xu hướng trầm cảm nghiêm trọng.
5. Luôn kiểm soát nguy cơ bệnh tim mạch
Ngay cả những đang ở độ sung sức, đàn ông cũng nên chú ý tới bệnh này. Sau tuổi 35, nam giới nên tham khảo với bác sĩ để đánh giá những nguy cơ của bệnh. Hãy nhớ lại xem có ai trong số những người đàn ông thân thích của bạn đã chết vì bệnh tim ở tuổi 60. Tìm hiểu mức độ cholesterol của bạn và theo dõi nó. Bạn có từng ngất xỉu, mất ý thức và khó thở? Đôi khi chúng ta coi thường tầm quan trọng của các tín hiệu này, mà đúng ra phải lập tức thông báo cho bác sĩ.
Ở mức độ gen, đàn ông dễ bị tổn thương hơn phụ nữ. Các nội tiết tố nữ estrogen cung cấp cho phụ nữ khả năng bảo vệ bổ sung mà đàn ông không có. Vì vậy, đàn ông phải kiểm soát các triệu chứng của bệnh tim mạch vành từ sau tuổi 35. Nếu có tiền sử gia đình mắc bệnh, cần sự tư vấn của bác sĩ từ lúc 30 tuổi và thực hiện các biện pháp phòng ngừa theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.
6. Không nên bất cẩn như thiếu niên
Thiếu thận trọng là tính chất, lối sống của thanh thiếu niên làm cho họ dễ bị tai nạn và thậm chí là chết một cách vô lý. Đàn ông thường giữ lại tính trẻ con của mình, không như phụ nữ biết xử sự lý trí sớm hơn nam giới.
H.GIANG
(Theo Zdorovieinfo)

Những biến đổi chức năng sinh lý và bệnh lý của tinh hoàn

Tinh hoàn là nhà máy sản xuất ra những tinh trùng và các hormone steroid liên quan đến chức năng sinh dục ở nam giới. Từ thời kỳ phát triển phôi đến lúc cơ thể về già, chức năng tinh hoàn có những biến đổi sinh lý và bệnh lý.
Hiểu rõ vai trò của tinh hoàn giúp cho chúng ta phòng tránh những yếu tố bất thường và ngăn ngừa được những bệnh lý có thể xảy ra.
Chức năng của tinh hoàn
Tinh hoàn gồm có hai cấu trúc khác nhau: một là hệ thống các ống sinh tinh có nhiệm vụ sản xuất và vận chuyển các tinh hoàn. Hai là khối tế bào leydig có nhiệm vụ sản xuất các androgen steroid, với chủ lực là testosteron và một lượng nhỏ estradiol.
Các ống sinh tinh bao gồm các tế bào mầm và tế bào sertoli, chiếm 80 - 90% toàn bộ thể tích của tinh hoàn.
Sự tạo ra các tinh trùng được thực hiện nhờ sự biệt hóa và trưởng thành của các nguyên bào tinh trong thời gian 74 ngày, trong đó 50 ngày ở trong ống sinh tinh. Sau khi ra khỏi tinh hoàn, các tinh trùng phải mất 12 - 21 ngày để qua mào tinh (mào tinh dài 5 - 6m) rồi phóng tinh ra ngoài.
Nội tiết tố testosteron được sản xuất từ tế bào leydig sau khi biến đổi từ cholesterol, nồng độ testosterone trong máu được định lượng bằng miễn dịch phóng xạ là 3 - 10 ng/ml, lượng testosteron thay đổi trong ngày, với đỉnh cao nhất lúc 8 giờ và mức thấp nhất vào lúc 21 giờ. Testosterone lưu hành trong huyết tương dưới 2 dạng gắn với albumin và globulin, chỉ có 1 - 3% ở dạng tự do. Testosteron tác động lên mô đích chiếm 40 - 50% ở cả 2 dạng. Mặt khác, testosterone được biến đổi thành estrdiol nhờ vào men aromatase để có những tác động phù hợp hay đối kháng testosterone trong khi thực hiện những chức năng khác nhau, tetosteron được chuyển hóa ở gan và bài tiết qua thận dưới dạng 17 cetosteroid và các hợp chất khác như diol, triol và các dẫn xuất liên hợp.
 Ảnh minh họa
Việc tạo ra những tinh trùng từ các ống sinh tinh chịu ảnh hưởng của hormone FSH từ tuyến yên và các tế bào leydig. Mỗi ngày một nam giới bình thường có thể sản xuất 200 triệu tinh trùng. Vai trò LH và FSH của tuyến yên có nhiệm vụ điều hòa hai chức năng của tinh hoàn và ngược lại testosterone và sự tạo những tinh trùng cũng có thể tác động phản hồi để tự điều hòa một cách riêng biệt.
Những biến đổi chức năng sinh lý và bệnh lý của tinh hoàn
Giai đoạn phôi thai và niên thiếu:
Trong thời kỳ phát triển phôi, phôi nam trải qua 3 giai đoạn biệt hóa giới tính: giai đoạn xác định giới nhiễm sắc thể XY, giai đoạn biến đổi tuyến sinh dục và giai đoạn xác định giới kiểu hình đồng thời tạo thành các bộ phận sinh dục tiết niệu nam.
Việc sản xuất tinh hoàn cao điểm nhất vào trung tuần thứ 8 - 10 của phôi thai, xác định kiểu hình giới được hoàn thành vào cuối tháng thứ 3 của thai kỳ, sản xuất testosterone sẽ giảm hẳn vào tháng thứ 9 của thai kỳ.
Lúc sinh, nồng độ testosteron ở bé trai chỉ cao hơn một ít so với bé gái. Sau khi sinh, trong 3 tháng đầu nồng độ testosteron tăng cao sau đó giảm dần lúc trẻ 1 tuổi, và tiếp tục tăng dần ở tuổi dậy thì cho đến 17 tuổi thì nồng độ testosteron ngang mức nồng độ testosteron ở người trưởng thành.
Giai đoạn dậy thì:
Tuổi dậy thì ở nam giới được đánh dấu bởi sản xuất tăng cao của các gonadotropin, lúc đầu trong giấc ngủ, về sau tăng cao suốt cả ngày. Càng ngày vùng đồi tuyến yên càng ít chịu ảnh hưởng của tuổi tác, nồng độ testosteron có chiều hướng gia tăng để tinh hoàn trưởng thành và bắt đầu tạo tinh trùng. Sự sản xuất các gonatropin tăng là do bài tiết GnRH tăng. Các thay đổi giải phẫu và chức năng trong thời kỳ này phụ thuộc vào nồng độ testosteron huyết tương, hệ sinh dục nam giới, dương vật, tuyến tiền liệt, túi tinh, mào tinh hoàn bắt đầu phát triển, hệ thống lông, râu phát triển. Tiếng nói trầm do thanh quản phát triển, dây thanh âm dày lên, các mô liên kết, cơ bắp phát triển, đặc biệt vùng ngực và vai. Các quá trình phát triển đến một giai đoạn nhất định sẽ dừng lại, một khi tuổi dậy thì đã hoàn thành. Thông thường tuổi dậy thì bắt đầu ở tuổi 11 - 12 tuổi và kết thúc sau 4 - 5 năm.
Giai đoạn trưởng thành:
Tiếp theo giai đoạn dậy thì là giai đoạn trưởng thành của phái tính nam. Thời kỳ này phát huy đầy đủ các biểu hiện của nam tính và thời kỳ thuận lợi cho sinh sản.
Tuy nhiên, trong giai đoạn này các bệnh lý có thể xảy ra làm rối loạn sự bài tiết nội tiết tố và gây ra những bệnh lý cho cơ thể biểu hiện từ vùng hạ đồi tuyến yên đến vùng cơ quan tinh hoàn.
Các bệnh lý vùng đồi tuyến yên làm cản trở bài tiết gonadotropin, do đó làm giảm bài tiết androgen và sự sản xuất những tinh trùng.
Bệnh lý hội chứng cushing là một bệnh nội tiết do rối loạn sản xuất hormone vỏ thượng thận gây gia tăng mạn tính hormone glucocorticoid không kìm hãm được. Tác động lên trục đồi tuyến yên, gây LH giảm. Cần phải điều trị tốt hội chứng cushing, tùy theo nguyên nhân gây ra hội chứng như u tuyến yên thì phẫu thuật tuyến yên bóc u, hay do tuyến thượng thận việc điều trị phẫu thuật hay xạ trị tùy theo chỉ định.
Trong bệnh lý tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, các gonadotropin được kích thích bài tiết gây ra dậy thì sớm, ngược lại các gonadotropin có thể bị ức chế gây vô sinh. Đây là một bệnh lý do rối loạn tổng hợp hormone vỏ thượng thận, vì thiếu hụt các enzyme nên dẫn tới việc thiếu hụt cortisol, sự thiếu hụt này dẫn đến sự tăng tiết ACTH từ tuyến yên, kích thích vỏ thượng thận tăng sinh và quá sản ra các chất trung gian, việc điều trị sử dụng hydrocortisone được chỉ định dùng suốt đời để thay thế cortisol nội sinh.
Tăng prolactin làm giảm bài tiết LH và FSH gây rối loạn chức năng tế bào leydig và ống sinh tinh làm cản trở sự tạo ra những tinh trùng.
Các bệnh lý tại tinh hoàn bao gồm tinh hoàn kém phát triển gặp trong các dị tật bẩm sinh hay bệnh lý mắc phải nguyên nhân do viêm nhiễm, chấn thương hay các bệnh lý từ các cơ quan khác gây hậu quả đến tinh hoàn như bệnh phong gây teo tinh hoàn, tùy theo nguyên nhân mà ta điều trị thì khả năng hồi phục chức năng của tinh hoàn sẽ được cải thiện.
Tuổi già:
Đến 70 tuổi, nồng độ testosteron huyết tương bắt đầu giảm. Tuy nhiên testosteron tự do và testosteron gắn với các protein vẫn trong giới hạn bình thường. LH huyết tương tăng lên, đồng thời tỷ lệ biến đổi androgen thành estrogen tăng ở mô ngoại vi, làm cho tỷ lệ androgen/estrogen giảm sút. Trong giai đoạn này, sự thay đổi về nội tiết có liên quan đến sự xuất hiện u xơ tuyến tiền liệt, đồng thời có hiện tượng vú to ở người già. Chức năng sinh dục có xu hướng giảm sút nhiều.
Vì vậy nhằm ngăn ngừa những biến đổi có thể xảy ra, ở giai đoạn này vai trò dinh dưỡng hợp lý, đặc biệt là những thức ăn giúp ngăn ngừa bệnh lý tuyến tiền liệt, song song với việc luyện tập thể dục thể thao phù hợp với lứa tuổi giúp tuổi già ở các cụ ông sống khỏe và yêu đời hơn.
BS.CKII. TUÊ THÀNH

Viêm túi tinh



Viêm túi tinh là bệnh riêng của nam giới, thường liên quan đến các bệnh viêm tiền liệt tuyến, viêm niệu đạo. Bệnh cảnh lâm sàng biểu hiện xuất tinh ra máu hay ra mủ. Việc điều trị kháng sinh thích hợp giúp cho khả năng lành bệnh nhanh và không để lại biến chứng.
Vai trò của túi tinh
Túi tinh là một cơ quan có cấu trúc hình túi, gồm hai túi, nằm sau và ở dưới đáy bàng quang. Túi tinh được tạo bởi các lớp cơ màng có chức năng bài tiết ra một chất lỏng làm trung hòa acid gọi là tinh dịch, thành phần giàu fructose, prostaglandin, protein, giúp cho tinh trùng di chuyển được tốt. Chất tiết ra này chiếm khoảng 60 - 70% khối lượng tinh dịch. Số tinh dịch nhiều hay ít tùy thuộc vào từng người, cũng như số lần xuất tinh trong một ngày.
 Ảnh minh họa
Nguyên nhân viêm túi tinh
Có rất nhiều nguyên nhân, do nhiễm trùng tiểu lâu ngày kèm theo viêm tiền liệt tuyến, viêm niệu đạo, viêm bàng quang với các hình thái bệnh sau quan hệ tình dục; cũng có những trường hợp một viêm nhiễm khác trên cơ thể gây viêm túi tinh như viêm tai giữa, viêm họng, viêm phế quản; bệnh lý lao đường sinh dục.
Viêm túi tinh có thể có sau những thủ thuật của thầy thuốc như đặt sonde tiểu, nội soi tiền liệt tuyến tạo ra lỗ rò từ đó vào túi tinh gây nhiễm trùng.
Dị tật bẩm sinh, gặp trong trường hợp niệu quản lạc chỗ, chỗ lỗ đổ của niệu quản vào bàng quang thì lỗ đổ vào túi tinh gây viêm.
Các triệu chứng
Người bệnh than phiền đau ở vùng tầng sinh môn mỗi lần đi tiểu, cơn đau này lan truyền tới hậu môn và vùng bìu. Khi giao hợp thì đau, đau nhiều khi xuất tinh, cơn đau có thể lan dọc theo ống dẫn tinh, lan sang phía sau vùng chậu, lúc xuất tinh không thành dòng mà rỉ từ từ, khoái cảm khi giao hợp thoáng qua rất nhanh, đôi khi có dấu hiệu rối loạn cương dương. Xuất tinh ra máu hoặc xuất tinh ra mủ.
Ngoài ra còn có các dấu hiệu: đau ở mào tinh hoàn nhưng không có viêm mào tinh hoàn, đau vùng tầng sinh môn nhưng không có viêm tiền liệt tuyến.
Lượng tinh dịch xuất ra tăng trong những trường hợp viêm cấp tính, ngược lại lượng tinh dịch giảm hẳn trong những trường hợp viêm mãn tính.
Siêu âm: khi đặt đầu dò siêu âm qua trực tràng, hay kết hợp siêu âm vùng bụng khi bàng quang đầy nước tiểu, thấy túi tinh giãn nở, thành dày. Xét nghiệm: tinh dịch có sự hiện diện của nhiều bạch cầu, khi cấy tinh dịch phát hiện vi trùng gây bệnh.
Cách điều trị
Điều trị nội khoa, dùng kháng sinh thích hợp tác dụng tốt với loại vi trùng gây bệnh, kết hợp hai loại kháng sinh trở lên và dùng kháng sinh đường tiêm như Augmentin kết hợp Gentamycin, hoặc Cefotaxim kết hợp Tobramycin, với liều tấn công 7 ngày, sau đó chuyển qua đường uống trung bình 10 – 14 ngày.
Kết hợp thuốc kháng viêm corticoid nếu không có chống chỉ định, dùng đường uống trung bình 7 - 10 ngày, thuốc giảm đau thông thường như Paracetamol, Acetaminophen và thuốc giảm đau cơ trơn Spasmaverine, Spasfon.
Điều trị đặc hiệu thuốc trị lao, nếu như nguyên nhân do vi trùng lao gây viêm túi tinh.
Vấn đề điều trị ngoại khoa đặt ra khi viêm túi tinh có biến chứng áp xe túi tinh hay điều trị kháng sinh không kết quả mặc dù đã có kháng sinh đồ, với phương pháp đặt dẫn lưu túi tinh khi có áp xe hay cắt bỏ túi tinh.
Viêm túi tinh là bệnh lý liên quan sau đợt nhiễm trùng đường tiểu, viêm tiền liệt tuyến. Điều trị dứt điểm các bệnh lý trên nhằm tránh những biến chứng lây lan. Sử dụng thuốc kháng sinh cần lựa chọn thích hợp cho nguyên nhân gây ra bệnh, tốt nhất nên sử dụng kháng sinh đồ.
BS.CKII. TUÊ THÀNH

Những dấu hiệu mắc phì đại tuyến tiền liệt

Tuyến tiền liệt là tuyến nội tiết sinh dục nam giới, nằm dưới đáy bàng quang và sau niệu đạo. Chức năng chính của tuyến tiền liệt là tiết ra 1 chất dịch, hoà lẫn với tinh dịch tạo thành một phần của tinh dịch. Chất dịch này bảo vệ tinh dịch chống lại các tác nhân gây bệnh giúp cho tinh trùng hoạt động thuận lợi hơn và tạo điều kiện cho sự thụ thai trở nên dễ dàng.
Khi mới sinh, tuyến tiền liệt có kích thước bằng hạt đậu Hà Lan. Tuyến này tiếp tục phát triển cho đến khi 20 tuổi, có kích thước 15-20g. Giai đoạn tuổi từ 30-45 kích thước tuyến tiền liệt duy trì ổn định 20g. Giai đoạn từ 45 tuổi trở lên tuyến tiền liệt phát triển không ổn định, kích thước dần phình to (phì đại tuyến tiền liệt). Mức độ phì đại tuyến tiền liệt ở mỗi người khác nhau, bình thường ở mức 20g tăng thêm từ 30-80g, cũng có người 100 - 200g. Nguyên nhân gây phì đại tuyến tiền liệt, do rối loạn nội tiết tố sinh dục nam; do lối sống như:  uống ít nước, ăn nhiều chất béo, sử dụng nhiều chất kích thích (thuốc lá, cà phê...). Ngoài ra, những người sống trong môi trường ô nhiễm, người mắc bệnh đường tiết niệu (viêm bàng quang), đái tháo đường, tiền sử gia đình có người bị phì đại tuyến tiền liệt...có nguy cơ dễ mắc bệnh phì đại tuyến tiền liệt. Điều đáng nói, khi bị phì đại tuyến tiền liệt nhiều người không biết dấu hiệu của bệnh, ít chú ý tới những thay đổi bất thường khi đi tiểu. Sau đây là những dấu hiệu của bệnh:
 Tuyến tiền liệt bị phì đại.
Tiểu tiện khó: Khi có cảm giác buồn đi tiểu nhưng phải đứng một lúc trong nhà vệ sinh mới đi tiểu được, dòng nước tiểu nhỏ, cảm giác tiểu tiện không có lực, có lúc đái rắt.
Tiểu són: Nước tiểu tự bài tiết không thể kiềm chế khi ngủ. Nhiều trường hợp ban ngày cũng xuất hiện tình trạng tiểu són.
Tiểu ngắt quãng: Bệnh phì đại tuyến tiền liệt thường đi kèm với sự hình thành của sỏi bàng quang, làm cho  quá trình đi tiểu đột nhiên bị ngắt quãng. Các triệu chứng trên sẽ nặng hơn nếu gặp lạnh hay do thường xuyên uống rượu bia hoặc sử dụng thuốc chống cholinergic và thuốc thần kinh.
Đi tiểu nhiều lần: Số lần đi tiểu ban ngày thường tăng lên 3-4 lần so với mức bình thường, 2-3 lần vào ban đêm. Khoảng cách giữa 2 lần đi tiểu ngắn, lúc nào cũng có cảm giác buồn đi tiểu.
Ngoài những dấu hiệu điển hình trên, để chẩn đoán chính xác người bệnh nên đến cơ sở y tế để các bác sĩ siêu âm bướu tuyến tiền liệt đo độ nhô của tiền liệt tuyến và lượng nước tiểu tồn lưu. Dùng phương pháp PSA để biết đó là bướu lành hay ác tính.
Mặc dù, phì đại tuyến tiền liệt không quá nguy hiểm và có nhiều loại thuốc giúp cải thiện đáng kể tình trạng rối loạn đi tiểu của người bệnh, cũng như có nhiều phương pháp can thiệp nhưng cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời tránh những biến chứng như: Sỏi bàng quang, nhiễm trùng niệu tái đi tái lại, bí tiểu mạn tính, suy giảm chức năng thận... và có thể suy thận. Do vậy, khi thấy những dấu hiệu của bệnh cần đến bác sĩ chuyên khoa được khám và điều trị kịp thời.
 Bác sĩ Nguyễn Trọng

Kháng thể kháng tinh trùng trong miễn dịch sinh sản nam giới

Miễn dịch (MD) là khả năng của cơ thể nhận ra và loại bỏ các vật lạ. Ở cơ thể người, đáp ứng MD có thể chia làm hai loại MD không đặc hiệu và MD đặc hiệu. MD không đặc hiệu là khả năng tự bảo vệ sẵn có từ lúc sơ sinh, mang tính di truyền, vì MD không đặc hiệu nên không đòi hỏi phải tiếp xúc trước của cơ thể với vật lạ. MD đặc hiệu là trạng thái MD xuất hiện khi cơ thể đã tiếp xúc với kháng nguyên và có phản ứng sinh ra kháng thể đặc hiệu chống lại chúng, ở MD này có 2 đặc điểm cơ bản là khả năng nhận dạng và trí nhớ đặc hiệu về kháng nguyên. Kháng thể kháng tinh trùng (KTKTT) là loại kháng thể đặc hiệu tinh trùng (TT). Nó thuộc loại MD đặc hiệu.
Sự hình thành KTKTT như thế nào?
Bình thường TT trưởng thành chỉ xuất hiện ở nam giới và TT này là kháng nguyên đối với cơ thể. Trong tinh hoàn có hàng rào máu - tinh hoàn và phức hợp liên kết, bản chất của hàng rào máu - tinh hoàn là sự liên kết bền vững của các tế bào cơ và kiểu liên kết cầu tế bào giữa các tế bào steroid. Hàng rào này ngăn cản không cho TT và các sản phẩm thoái hóa của nó vào trong cơ thể, tách biệt môi trường ống dẫn tinh và máu, chúng biệt lập tiền TT và TT trưởng thành nằm phía ngoài hàng rào. Do đó, TT trưởng thành hoàn toàn cách biệt với hệ thống MD. Vì nguyên nhân nào đó gây thương tổn hàng rào máu - tinh hoàn, làm cho TT và các sản phẩm thoái hóa của nó xuất hiện trong máu sẽ khởi phát hệ thống MD sinh ra KTKTT. Tùy thuộc vào nơi các kháng thể được đặt, TT có thể bị ảnh hưởng theo nhiều cách. Khi các kháng thể được tìm thấy trên đuôi, TT có xu hướng được cố định hoặc có thể lại với nhau. Kháng thể đặt trên đầu ngăn chặn các TT tự động liên kết với trứng, do đó ngăn ngừa sự thụ tinh đang diễn ra. Trong một số trường hợp, chất nhầy cổ tử cung của người phụ nữ cũng có thể phát triển thành kháng thể để kháng TT của chồng. KTKTT có thể ảnh hưởng đến sinh sản bằng cách giảm khả năng vận động hoặc tăng số lượng TT không hoạt động, tác động đến sự xâm nhập của TT qua dịch nhầy cổ tử cung, làm biến đổi tiềm năng và phản ứng cực đầu, can thiệp vào phản ứng giữa TT và noãn. Các nguyên nhân gây nên hình thành KTKTT: thắt ống dẫn tinh, tắc ống dẫn tinh bẩm sinh hay mắc phải, sinh thiết tinh hoàn, chấn thương tinh hoàn và nhiễm khuẩn đường sinh dục.
Nguyên nhân vô sinh ở nam giới do KTKTT xảy ra như thế nào?
KTKTT có thể tác động đến sinh sản bằng cách bất động TT hoặc kết dính TT. Khi giao hợp, TT sẽ nằm trong âm đạo mà không di chuyển vào buồng tử cung đến vòi trứng hay di chuyển rất ít, cũng như khả năng xâm nhập của TT qua màng pellucid của trứng để trở thành hợp tử cũng không xảy ra. Khi nồng độ KTKTT trong huyết tương của nam giới có hiệu giá cao thì hiện tượng vô sinh càng rõ ràng. Tỷ lệ vô sinh nam giới có KTKTT trùng 1 - 6%.
Chẩn đoán xác dịnh KTKTT
Chủ yếu dựa vào các xét nghiệm đặc hiệu để xác định KTKTT là xét nghiệm MAR (Mixed antiglobulin reaction) theo cơ chế TT ngưng kết với hồng cầu cừu trong kháng huyết thanh do sự hiện diện của IgG và IgA, xét nghiệm IBT (Immunobead Test) theo cơ chế phức hợp polyacrilamids gắn kháng thể người và kháng thể chống TT. Ngoài ra, để xác định tỷ lệ và hiệu giá kháng thể ngưng kết TT trong huyết thanh sử dụng kỹ thuật xét nghiệm Franklin và Duckes.
Xét nghiệm xác định KTKTT dùng trong các trường hợp: TT kết dính trong tinh dịch, TT chuyển động kém, số lượng TT thấp, vô sinh tiên phát và trước khi nối ống dẫn tinh.
Điều trị KTKTT
Điều trị vô sinh nam có KTKTT bằng nhiều biện pháp như: sử dụng chất ức chế miễn dịch, thụ thai bằng phương pháp bơm TT vào buồng tử cung với TT của người chồng, thụ thai trong ống nghiệm, thụ thai bằng cách tiêm TT vào bào tương của noãn.
Chỉ định điều trị thường chỉ tiến hành ở bệnh nhân có mẫu tinh dịch mà trên 50% lượng TT bị ngưng kết vì kháng thể, khi kết quả thử nghiệm sau giao hợp có số lượng TT ngưng kết bình thường thấp.
Phương pháp ức chế MD dùng corticoid có thể làm giảm sản xuất kháng thể và sự kết dính giữa kháng thể - kháng nguyên. Trong y văn chưa có sự thống nhất về liều lượng, điều trị từng đợt hay kéo dài. Do đó, việc điều trị ức chế MD ở vô sinh nam có KTKTT phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Kết quả sau thụ thai sau điều trị 34%.
Phương pháp bơm TT vào buồng tử cung (Intra uterine Insemination, IUI). Trong tác động đến sinh sản của TT, thì sự kết hợp giữa TT với globulin MD có thể chỉ ức chế một bước chức năng xâm nhập qua chất nhầy, trong khi xâm nhập trứng vẫn tồn tại, thụ thai trong buồng tử cung sẽ là liệu pháp cần thiết. Thủ thuật có thể sử dụng TT người chồng đã rửa lọc TT (lọc rửa TT với mục đích loại bỏ kháng thể gắn lên màng TT). Kỹ thuật bơm TT vào buồng tử cung gồm các bước: dùng thuốc kích thích noãn với clomiphen citrat kèm với pregnyl, theo dõi sự phát triển của nang noãn bằng siêu âm và định lượng nội tiết E2 trong huyết thanh, tiêm HCG gây rụng trứng, bơm TT đã lọc rửa vào buồng tử cung. Theo dõi chăm sóc sau khi bơm TT vào buồng tử cung, dùng thuốc ức chế co bóp sau đó hỗ trợ hoàng thể bằng progesteron. Kiểm tra kết quả có thai sau 2 tuần bằng xét nghiệm định lượng beta HCG và siêu âm tìm túi thai trong tử cung sau khi bơm TT vào buồng tử cung.
Phương pháp thụ thai trong ống nghiệm (IVF) ở người chồng có TT kết hợp với globulin miễn dịch với kết quả có thai 27%. Ngày nay, với kỹ thuật tiêm TT vào bào tương của noãn (ICSI) bước đầu cho kết quả thụ thai và sinh sản cao hơn, kỹ thuật này cũng được chỉ định cho những nam giới vô sinh có kháng thể chống TT đã làm thụ thai trong ống nghiệm thất bại.
Tóm lại, KTKTT trong MD sinh sản nam giới có thể xác định trực tiếp KTKTT gắn trên màng TT liên quan chặt chẽ với vô sinh nam có yếu tố KTKTT bằng cách đo được hiệu giá KTKTT trong huyết thanh và huyết tương tinh dịch. Hiệu giá càng cao thì khả năng vô sinh càng lớn. Việc điều trị vô sinh nam do KTKTT bằng các phương pháp IUI, IVF và ICSI đã mang lại nhiều kết quả cho người bệnh với niềm mong muốn có con ở những cặp vô sinh hiện nay mà nguyên nhân do TT mang kháng thể chống TT.
BS. CKII. TUÊ THÀNH


Ung thư vú đâu chỉ là của phụ nữ

Lâu nay khi nói đến ung thư vú (UTV) thường nghĩ rằng đó là bệnh chỉ riêng có ở phụ nữ. Do đó, rất nhiều người không tin rằng đấng mày râu lại có thể mắc bệnh UTV. Một báo cáo gần đây cho thấy tỉ lệ UTV ở nam giới đã tăng 26% trong 25 năm qua và ngày càng có xu hướng gia tăng. Tại Việt Nam cũng đã có nhiều người mắc bệnh này.
Bệnh ít được quan tâm
UTV ở nam giới đôi khi có thể nhầm lẫn với một số bệnh của tuyến vú như: nữ hóa tuyến vú, áp-xe vú, tổn thương di căn đến vú và những bướu nguyên phát khác không phải UTV. Nhưng khác với UTV, các bệnh làm nữ hóa tuyến vú thường làm cho tuyến vú hai bên to và có tính đối xứng, giới hạn không rõ ràng, không xâm lấn thành ngực, không có hạch nách kèm theo.
UTV ở nam giới hiếm gặp hơn UTV ở nữ giới, thường gặp ở độ tuổi 50 - 60, trễ hơn 10 năm so với UTV ở phụ nữ nhưng lại nguy hiểm hơn. Bởi tuyến vú của nam không phát triển nên tốc độ tế bào ung thư xâm lấn vào gan, phổi, xương diễn ra rất nhanh.
 Nam giới cũng có thể mắc ung thư vú. Ảnh minh họa
Thật ra, bệnh UTV ở nam giới rất dễ phát hiện ở giai đoạn sớm hơn đối với nữ. Triệu chứng điển hình của bệnh là có một cục cứng ở dưới quầng vú, đôi khi nằm ở 1/4 trên ngoài của vú, khi sờ vào có cảm giác rất đau. Tuy nhiên, với quan niệm cho rằng nam giới không và không bao giờ có bệnh UTV nên thường không được quan tâm đến những bất thường ở vú, vì vậy không bao giờ thực hiện việc tầm soát vú trong các cuộc kiểm tra định kỳ. Đến khi xảy ra các triệu chứng như: co rút đầu núm vú, loét da vùng vú, xâm lấn da hay dính vào thành ngực, kèm theo hạch nách… thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn trễ. Nặng hơn, bệnh có thể di căn đến xương, gan, não, phổi…
Điều trị UTV nam giới
Điều trị UTV ở nam giới trong giai đoạn sớm cũng giống như những nguyên tắc của UTV ở phụ nữ. Bao gồm các phương pháp sau:
Phẫu thuật: là phương thức điều trị khi bướu còn nhỏ, còn khu trú tại chỗ với thủ thuật là đoạn nhũ tận gốc, không tái tạo hay bảo tồn vú. Đây là điểm khác biệt hoàn toàn với UTV trong giai đoạn sớm ở phụ nữ, do nam giới rất ít mô tuyến vú và bướu thường nằm ở vị trí trung tâm.
Xạ trị: đối với UTV ở phụ nữ đã có di căn hạch, xạ trị sau mổ vào thành ngực mang lại lợi ích sống còn. Trên thực tế, xạ trị rất cần thiết cho bệnh nhân nam vì tần suất bị xâm lấn núm vú và da trên vú ở nam giới là rất cao, đặc biệt là những bệnh nhân nam có trên bốn hạch nách di căn, hay bướu đã tiến xa tại chỗ.
Hóa trị: trong UTV ở phụ nữ đã có rất nhiều các dữ liệu thống kê cho thấy ích lợi và cải thiện về kết quả điều trị. Ngược lại, trong UTV ở nam giới thì các thử nghiệm lâm sàng lại quá ít. Tuy nhiên, hóa trị được khuyến cáo nên áp dụng cho tất cả bệnh nhân có hạch nách đã bị di căn bất chấp kích thước bướu là bao nhiêu.
Xạ trị hay hóa trị hỗ trợ sau phẫu thuật có thể kéo dài 1 - 9 tháng tùy theo mức độ xâm lấn của bệnh. Thuốc nội tiết tố cũng đạt kết quả tốt trong một số trường hợp.
UTV ở nam giới có diễn tiến rầm rộ và có tiên lượng xấu hơn nhiều so với UTV ở phụ nữ. Tỉ lệ sống còn toàn bộ thấp hơn ở những bệnh nhân lớn tuổi và bệnh ở giai đoạn muộn. Độ tuổi mắc bệnh, giai đoạn bệnh tại thời điểm chẩn đoán và tình trạng di căn hạch bạch huyết là những yếu tố tiên lượng quan trọng.
Phần lớn không có yếu tố nguy cơ rõ ràng. Một vài trường hợp liên quan đến nội tiết tố, có tiền sử bệnh lý ở tinh hoàn, tiền sử gia đình có người bị UTV, đã được xạ trị vào vùng ngực trước đó hay do những tai nạn của chất phóng xạ. Ngoài ra, những người hút thuốc, béo phì, đái tháo đường, lạm dụng rượu bia… cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Vì vậy, một lối sống hợp lý, điều độ cùng với việc khám sức khỏe định kỳ tầm soát UTV ở nam giới là chìa khóa giúp tầm soát và phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.
BS. HỒ VĂN CƯNG


Các bệnh lây truyền tình dục ở nam giới

Ở mọi xã hội, các bệnh lý lây truyền đường tình dục (sexually transmited diseases – STDs) là loại bệnh nhiễm trùng thường gặp nhất. Ở các nước đang phát triển, bệnh STDs thường gặp nhất là do vi khuẩn, như nhiễm lậu, có tên khoa học Neisseria gonorrhoeae, nhiễm chlamydia trachomatic và xoắn khuẩn giang mai.
Cũng ở các nước đang phát triển, bệnh STDs nằm trong số 10 bệnh có tỷ lệ mắc bệnh cao ở nam giới, gây ảnh hưởng sức khỏe và sinh sản hàng năm do các biến chứng viêm niệu đạo, viêm mào tinh hoàn hay vô sinh. Trong số các STDs do virút, nhiễm virút gây suy giảm miễn dịch ở người (human immunodeficiency virus HIV) trở thành nguyên nhân hàng đầu tử vong ở một số nước đang phát triển trong thập kỷ qua. Trong khi đó hai bệnh STDs chủ yếu do virút khác là human papilloma virus (HPV) và viêm gan siêu vi B (hepatitis B virus) gây biến chứng ung thư dương vật, ung thư gan. Ngoài ra, các loại virút khác như nhiễm herpes sinh dục, nhiễm cytomegalovirus đang tăng rõ rệt.
Viêm niệu đạo ở nam giới
Viêm niệu đạo thường được coi là hội chứng STDs ở nam giới, biểu hiện tình trạng xuất tiết có dịch hoặc mủ chảy từ lỗ niệu đạo ở nam giới kèm theo các triệu chứng khác như tiểu buốt, tiểu khó. Nếu không điều trị kịp thời có thể lây cho bạn tình và để lại biến chứng như: viêm mào tinh hoàn, hẹp niệu đạo, vô sinh.
Việc chẩn đoán dựa vào các dấu hiệu lâm sàng, thời gian ủ bệnh dao động từ 2 ngày đến 5 tuần, xuất hiện triệu chứng tiểu gắt, tiểu khó, tiểu buốt dọc theo đường tiểu, kèm theo chảy mủ xanh hay mủ vàng từ lỗ ngoài niệu đạo. Xét nghiệm lấy dịch mủ từ lỗ ngoài niệu đạo, nhuộm gram thấy song cầu khuẩn gram (-) nằm trong và ngoài tế bào bạch cầu đa nhân. Ngoài ra, các trường hợp khác khi nhuộm gram không thấy song cầu mà có trên 5 bạch cầu trong một vi trường có độ phóng đại 1.000 lần, thường kết luận viêm niệu đạo không do neisseria gonorrhoeae có thể tác nhân là chlamydia.
Điều trị: nếu xác định được nguyên nhân thì điều trị nguyên nhân, nếu không điều trị theo hội chứng. Điều trị viêm niệu đạo do neisseria gonorrhoeae  đồng thời phải điều trị viêm niệu đạo do chlamydia.
Dùng một trong các loại thuốc sau kết hợp với một trong các loại thuốc điều trị viêm niệu đạo:
- Cefixim 200mg, uống 2 viên, liều duy nhất + doxycyclin 100mg, uống 1 viên, ngày 2 lần, trong 7 ngày. Ceftriaxon 250mg, tiêm bắp, liều duy nhất + doxycyclin 100mg, uống 1 viên, ngày 2 lần, trong 7 ngày.
Bạn tình của người bệnh cũng nên được xét nghiệm tìm neisseria gonorrhoeae và chlamydia và nên tiếp nhận chế độ điều trị. Chú ý: khi bạn tình đang mang thai hay đang giai đoạn cho con bú, việc điều trị không dùng doxycyclin mà thay thế erythromycin 500mg uống 1 viên, ngày 3 lần, trong 14 ngày.
 Khuyến kích dùng bao cao su khi giao hợp để đề phòng và hạn chế nguy cơ lây lan. Ảnh minh họa
Viêm mào tinh hoàn
Viêm mào tinh hoàn cấp tính trong STDs với triệu chứng thường gặp nhất của đau bìu đột ngột một bên, phù nề vùng bìu, bí tiểu, thường gặp ở nam giới dưới 35 tuổi đang độ hoạt động tình dục, chlamydia trachomatis là vi khuẩn gây bệnh thường gặp nhất, tiếp theo là escherichia coli and neisseria gonorrhoeae.coli và neisseria gonorrhoeae. Đồng thời bệnh liên quan với viêm niệu đạo rõ rệt.
Chẩn đoán phân biệt xoắn tinh hoàn, khối u tinh hoàn. Xoắn tinh hoàn là một cấp cứu ngoại khoa, thường gặp lứa tuổi 20 - 30, biểu hiện bằng đau đột ngột, tinh hoàn nâng cao lên trong bìu, mào tinh xoay từ đằng sau lên đằng trước và không có dòng máu trong siêu âm doppler màu. Còn phân biệt u tinh hoàn cần nghĩ đến khi các triệu chứng dai dẳng sau đợt điều trị. Siêu âm xác định rõ khối u. Viêm mào tinh hoàn cấp tính biểu hiện các triệu chứng: đau vùng bìu một bên hay cả hai bên, sưng nề, tấy đỏ, tiểu khó, đau hạ vị, toàn thân sốt, ớn lạnh. Đau nhiều khi giao hợp hay xuất tinh, có thể có máu trong tinh dịch. Xét nghiệm máu, bạch cầu tăng cao. Viêm mào tinh hoàn không được điều trị biến chứng viêm mào tinh hoàn mãn tính, áp-xe vùng bìu, viêm tiền liệt tuyến, hẹp niệu đạo và vô sinh. Điều trị viêm mào hoàn cấp tính chủ yếu dùng kháng sinh trị chlamydia và escherichia coliand neisseria gonorrhoeae.coli, neisseria gonorrhoeae. Thuốc đầu tay ceftriaxon tiêm bắp 250mg sau đó dùng doxycyclin 100mg, ngày uống hai lần, mỗi lần 1 viên, dùng liên tục trong 10 ngày. Hoặc dùng cefotaxim 1g, tiêm bắp, liều duy nhất + doxycyclin 100mg, uống 1 viên, ngày 2 lần, trong 10 ngày.
Cần điều trị cho bạn tình với liều lượng như trên.
Dự phòng STDs ở nam giới
Khuyến kích dùng bao cao su khi giao hợp để đề phòng và hạn chế nguy cơ lây lan. Hiểu được tầm quan trọng cần điều trị sớm khi có các dấu hiệu bất thường.
Cần tuyên truyền giáo dục cho giới trẻ về tác hại và mức độ nguy hiểm của các bệnh lây lan qua đường tình dục, nhấn mạnh về hành vi tình dục an toàn, hướng dẫn việc sử dụng bao cao su khi giao hợp.
BS.CKII. TUÊ THÀNH


Vết thương dương vật

Vết thương (VT) dương vật (DV) là một thương tổn khá hiếm gặp. Trong sinh hoạt đời sống hàng ngày, VTDV thường là do nạn nhân tự cắt hoặc bị người khác cắt do thù hận ghen tuông, ngoài ra còn do tai nạn giao thông, tai nạn lao động. Việc điều trị phẫu thuật phục hồi dương vật (DV) thành công tùy thuộc vào thời gian người bệnh đến với thầy thuốc.
Nguyên nhân
VTDV chia làm 2 nhóm: VT đứt lìa DV và VTDV.
VT đứt lìa DV đây nhóm nguyên nhân thường gặp trong cuộc sống hàng ngày và gặp ở lứa tuổi hoạt động tình dục, tự tay cắt bằng dao hay bị người khác dùng dao cắt. Nguyên nhân tự tay cắt gặp trong các trường hợp buồn bản thân, buồn chuyện gia đình, bệnh tâm thần. Bị người khác cắt DV đa số do ghen tuông, hận thù. VTDV: đây là nhóm nguyên nhân ít gặp như bị chó cắn gặp ở em bé do người lớn có thói quen xi em bé đi tiêu trong nhà, chó quanh quẩn ở bên cạnh rồi bất thần nhảy lên đớp nhầm vào DV của trẻ, do heo cắn khi bắt heo; hoặc trẻ tự cột dây thun vào DV rồi quên gây hoại tử DV. Ngoài ra do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, VT do hỏa khí. Đa số các nguyên nhân VTDV còn kèm theo những thương tổn đi kèm khác ở vùng bẹn.
 Ảnh minh họa
Chẩn đoán xác định
Thường dễ dàng phát hiện ngoài dấu hiệu đau tại chỗ và thăm khám kỹ để phát hiện thương tổn. Trường hợp DV đứt lìa có triệu chứng bí tiểu, máu chảy dữ dội ở mỏm bị cắt cụt. Cần xác định mức độ thương tổn phối hợp và thăm dò các cơ quan khác, nhất là trong trường hợp VTDV gây giập nát như: trực tràng, bàng quang, bìu và tinh hoàn và các VT khác nhằm tránh bỏ sót.
Điều trị
Đây là trường hợp cấp cứu niệu khoa cần khẩn trương và phẫu thuật kịp thời, nhất là trong các trường hợp VT đứt lìa DV. Mục đích phục hồi DV đảm bảo chức năng của DV.
Trường hợp DV bị cắt cụt hoàn toàn, đến muộn và mất đoạn bị cắt rời: cắt lọc tiết kiệm mỏm cụt, khâu cầm máu mỏm cụt, khâu lộn đầu niệu đạo bị cắt ra ngoài da để tránh đầu niệu đạo bị tụt vào trong và chít hẹp dần dần. Chuyển dòng nước tiểu tạm thời bằng mở bàng quang ra da cho đến khi mỏm cụt liền sẹo. Tái tạo DV mới.
Trường hợp DV bị đứt lìa tới sớm, mỏm cắt sắc bén và người bệnh mang theo đoạn bị cắt. Trong những trường hợp này cần khâu nối DV và dẫn lưu bàng quang. Cần đặt một ống thông từ ngoài vào có tác dụng làm nòng khuôn cho việc liền sẹo, nong niệu đạo nhiều lần ở đoạn bị cắt sau khi VT liền sẹo.
Trường hợp do cột dây thun DV gây sưng to, bầm tím, trường hợp này người bệnh bí tiểu hoàn toàn. Đặt dẫn lưu bàng quang ra da, dùng mọi cách để tháo cột dây thun.
Đối với VTDV bị giập nát, cần cắt lọc tiết kiệm mô lành, cầm máu kỹ. Chuyển dòng nước tiểu tạm thời để cho sự liền da được tốt. Kiểm tra và thám sát các cơ quan lân cận phát hiện những tổn thương đi kèm, tránh bỏ sót.
Kết hợp chăm sóc VT chu đáo. Thuốc kháng sinh liều cao, dùng đường tiêm, thuốc giảm đau và kháng viêm tốt.
Phòng ngừa VTDV
Khi xảy ra tai nạn cần chuyển người bệnh đến càng sớm càng tốt, lưu giữ phần DV bị cắt vào túi nước đá lạnh sau khi rửa sạch bằng nước sạch. Đây là VT hiếm gặp nhưng để lại hậu rất nặng nề đối với người bệnh và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sống. Việc tuyên truyền giáo dục hạnh phúc gia đình là điều cần thiết. Tránh những điều bất cẩn, tham gia lưu thông cần thận, tránh tai nạn lao động và nên có bảo hộ lao động khi đang làm việc.
BS.CKII. TUÊ THÀNH

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons