Các nghiên cứu gần đây cho thấy, tình trạng hiếm muộn ở
nam giới ngày càng tăng. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hạnh
phúc của nhiều gia đình và chất lượng dân số. Rất nhiều quý ông đã phải
băn khoăn làm thế nào để điều trị vô sinh? Nên chọn phương pháp điều trị
nào để đạt hiệu quả cao.
Trong chữa trị vô sinh nam, có hai chuyên khoa cùng
"tấn công" vào lĩnh vực này từ hai hướng khác nhau, nhưng chung một mục
đích là giúp bệnh nhân hiếm muộn có con. Đó là chuyên khoa hiếm muộn
(một chuyên ngành của sản phụ khoa) và chuyên khoa nam khoa (một chuyên
ngành của tiết niệu). Vẫn biết "con đường nào cũng tới La Mã", nhưng mỗi
chuyên khoa lại có những ưu, nhược điểm riêng.
![]()
Nuôi cấy tinh tử giúp điều trị hiếm muộn ở nam giới.
|
Thụ tinh trong ống nghiệm
Mũi nhọn của hiếm muộn là phương pháp thụ tinh trong
ống nghiệm (viết tắt là IVF – invitro fertilization). Để có thai tự
nhiên, tinh trùng phải bơi vòng vòng từ cổ tử cung, qua buồng tử cung,
leo lên vòi trứng rồi mới gặp trứng, "chàng" nào yếu sức sẽ dần bị loại
khỏi cuộc đua hoặc tới nơi thì "hoa" đã có "chủ" rồi. Thời mà Louise
Brown – em bé đầu tiên được sinh ra nhờ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)
năm 1978 - bác sĩ chỉ trộn tinh trùng và trứng trong ống nghiệm (gọi là
đĩa cấy thì đúng hơn), tinh trùng không cần nhọc công như trong quá
trình thụ thai tự nhiên nữa, nó được đặt nằm kế bên trứng, chỉ cần chui
vào trong trứng là xong. Năm 1992, một kỹ thuật mới ra đời, gọi là ICSI –
intracytoplasmic sperm injection. Với phương pháp này, bác sĩ sẽ dùng
một cây kim cực nhỏ, soi dưới kính hiển vi có độ phóng đại 300-400 lần,
"túm" một "anh chàng" tinh trùng sống, chọc thủng màng trứng rồi tiêm
trực tiếp "anh chàng" vào trong lòng trứng, bắt trứng thụ tinh. Với
phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm này, chỉ cần "chàng" tinh trùng
còn sống là thực hiện được rồi và nếu may mắn thì "chàng" và "nàng" có
thể phát triển thành thai. Với phương pháp này có những tinh trùng tiềm
ẩn một số bệnh di truyền mà bình thường thì nó không có khả năng thụ
tinh trứng, nhưng với kỹ thuật ICSI thì nó vẫn có thể "hoàn thành" nhiệm
vụ của mình, tất nhiên là hoàn thành trên tinh thần "không tự nguyện"
và cho ra đời những em bé không như mong muốn.
![]()
Suy giảm số lượng tinh trùng là một nguyên nhân gây
vô sinh nam.
|
Thụ tinh trong ống nghiệm có những nguy cơ như hội
chứng quá kích buồng trứng, các biến chứng do chọc hút lấy trứng (xuất
huyết nặng) và hậu quả của việc đa thai. Đa thai đi kèm với việc tăng tỉ
lệ trẻ mắc bệnh và chết non, liên quan tới chuyện sinh non. Không chỉ
các trường hợp đa thai mà ngay cả chỉ sinh 1 trẻ thì thụ tinh trong ống
nghiệm cũng liên quan tới việc tăng cao các biến chứng cho mẹ và cho em
bé.
Hội Y học sinh sản Hoa Kỳ cũng cho biết, khi trích
tinh trùng mào tinh để thụ tinh trong ống nghiệm, nếu chọc kim vào mào
tinh thì nó có thể làm tắc vĩnh viễn mào tinh và làm cho chuyện nối ống
dẫn tinh với mào tinh trở nên xa vời. Đây là trường hợp chọc mào tinh
lấy tinh trùng để điều trị, chứ chọc mào tinh để chẩn đoán thì Hội Y học
sinh sản Hoa kỳ không hề khuyến khích.
Cũng theo báo cáo của Hội Y học sinh sản Hoa Kỳ: Tỉ lệ
thụ thai nhờ ICSI là 30-40% và tỉ lệ thực sự sinh ra em bé chỉ còn
25-30% (5-10% còn lại là thai bị sảy). Điều quan trọng của điều trị vô
sinh không phải là tỉ lệ thụ thai là bao nhiêu phần trăm, mà chính là tỉ
lệ trẻ được sinh ra là bao nhiêu. Tuy nhiên, khi nói về tỉ lệ thành
công của thụ tinh trong ống nghiệm, các báo cáo ở Việt Nam chỉ nói tới
tỉ lệ thụ thai, còn tỉ lệ trẻ thực sự được sinh ra thường không được
nhắc tới. Tôi thử tìm con số này qua một số báo cáo ở các hội nghị hiếm
muộn trong nước nhưng không tìm thấy. Còn theo Hội Y học sinh sản của
Hoa Kỳ thì con số sinh ra em bé chỉ có 25-30% thôi.
Phẫu thuật để điều trị
Vũ khí "độc" của "cánh" nam khoa chính là vi phẫu
thuật để điều trị các trường hợp vô sinh do tắc ống dẫn tinh, tắc ống
mào tinh, giãn tĩnh mạch tinh... Phương pháp này nhằm giúp người bệnh có
tinh trùng trở lại hoặc tinh trùng từ "yếu yếu, xìu xìu" thành "khỏe
mạnh, cường tráng". Mục đích điều trị của nam khoa là khi hết bệnh,
người chồng sẽ có con bình thường như những người bình thường khác. Mục
đích thứ hai là, nếu người chồng không thể (hay quá khó) có con tự
nhiên, cần phải làm thụ tinh trong ống nghiệm, thì bên nam khoa sẽ chịu
trách nhiệm cung cấp nguồn tinh trùng cho bên hiếm muộn.
Dưới đây là những thông tin cập nhật từ Hội Y học
sinh sản Hoa Kỳ - tổ chức hoạt động của các bác sĩ chuyên về hỗ trợ sinh
sản, thụ tinh trong ống nghiệm (còn tổ chức hoạt động của các bác sĩ
phẫu thuật vô sinh nam là Hội Tiết niệu Hoa Kỳ).
Khả năng thành công của vi phẫu thuật nối ống dẫn tinh với mào tinh là 84% và 42% bệnh nhân có con tự nhiên sau mổ.
Khả năng thành công của vi phẫu thuật nối ống dẫn tinh là 85-90% và 50-70% bệnh nhân có con tự nhiên.
Trường hợp tắc ống phóng tinh, sau mổ cắt đốt nội soi
ống phóng tinh, 50-75% bệnh nhân có tinh trùng lại và khoảng 20% trong
số này có con tự nhiên.
Sau mổ giãn tĩnh mạch tinh, hơn 2/3 trường hợp có tinh dịch đồ cải thiện, trong đó 30-50% có con tự nhiên.
![]()
Thụ tinh trong ống nghiệm. Ảnh: N Phương
|
Nên chọn phương pháp điều trị nào?
Trong thực tế, có những trường hợp bệnh nhân chỉ có
một lựa chọn duy nhất (hoặc thụ tinh ống nghiệm hoặc phẫu thuật) để có
con. Ví dụ: nếu bệnh nhân bị vô sinh do bất sản ống dẫn tinh hai bên bẩm
sinh thì chỉ có thể có con bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm
với tinh trùng được trích từ tinh hoàn hay mào tinh; còn nếu bệnh nhân
bị vô sinh không tinh trùng do giãn tĩnh mạch tinh hay hai tinh hoàn ẩn
trong bụng thì bắt buộc phải nhờ cậy đến bàn tay khéo léo của các bác sĩ
nam khoa. Các trường hợp khác như vô sinh do tắc ống dẫn tinh, tinh
trùng yếu do giãn tĩnh mạch tinh... thì cả hai biện pháp điều trị này
đều có thể áp dụng được. Tuy nhiên, khi người bệnh tới một nơi chuyên về
phẫu thuật thì thường được khuyên: "Mổ đi!", còn nếu họ tới nơi chuyên
về ICSI thì lại được tư vấn: "Phải thụ tinh thôi, hình dạng bình thường
thấp quá như thế này làm sao có con được, mổ thành công thấp lắm!". Đứng
giữa "ngã ba đường", bệnh nhân sẽ vô cùng bối rối, biết đi đường nào
đây?
Theo khuyến cáo của Hội Y học sinh sản Hoa Kỳ, các cặp vợ chồng
điều trị hiếm muộn cần được hướng dẫn đầy đủ về các biện pháp điều trị
để có con. Vi phẫu thuật nối ống dẫn tinh hay nối ống dẫn tinh với mào
tinh nên được ưu tiên chọn (chứ không phải thụ tinh trong ống nghiệm)
nếu như người chồng bị tắc ống dẫn tinh nhưng vẫn có thể nối được. Mặt
khác, cái lợi của phẫu thuật so với thụ tinh trong ống nghiệm là ít tốn
kém hơn. Ngay cả khi mổ nối thất bại thì mổ nối thêm lần nữa vẫn tốt hơn
là làm ICSI. Nếu bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch tinh thì mổ rất ít nguy cơ
và bệnh nhân có thể có con tự nhiên.
TS.BS. Nguyễn Thành Như
0 nhận xét:
Đăng nhận xét